Công Chứng

Các Loại Hợp Đồng - Giao Dịch

Câu Hỏi Khách Hàng Thường Gặp

1. Công chứng là gì? Phân biệt công chứng và chứng thực?

Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”.
“Chứng thực” là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính, hoặc chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản là chữ ký của người đã yêu cầu chứng thực .

Chứng thực là gì?

“Chứng thực” là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính, hoặc chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản là chữ ký của người đã yêu cầu chứng thực .
Phân biệt công chứng và chứng thực?

Thứ nhất, về thẩm quyền, công chứng do cơ quan bổ trợ Tư pháp thực hiện (phòng công chứng, văn phòng công chứng); chứng thực do cơ quan hành chính Nhà nước, cụ thể là UBND cấp xã, huyện thực hiện.
Thứ hai, chứng thực là chứng nhận sự việc, không đề cập đến nội dung; trong khi công chứng bảo đảm nội dung của một hợp đồng, một giao dịch, công chứng viên chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch đó và qua việc bảo đảm tính hợp pháp để giảm thiểu rủi ro. Hoạt động công chứng mang tính pháp lý cao hơn.

2. Hợp đồng uỷ quyền là gì? Một số quy định về hợp đồng uỷ quyền, giấy uỷ quyền

Hợp đồng ủy quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Một số quy định về hợp đồng uỷ quyền, giấy uỷ quyền:

a. Hợp đồng uỷ quyền là sự thỏa thuận giữa các bên theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền (Điều 585 Bộ Luật Dân sự).

b. Hợp đồng uỷ quyền chấm dứt trong những trường hợp sau:

Hợp đồng uỷ quyền hết hạn.
Công việc được uỷ quyền đã hoàn thành.
Bên uỷ quyền, bên được uỷ quyền đình chỉ thực hiện hợp đồng theo quy dịnh tại điều 420 và điều 593 của Bộ Luật Dân sự.
Bên uỷ quyền hoặc bên được uỷ quyền chết, mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (Theo điều 594 Bộ Luật Dân sự).

c. Việc uỷ quyền có thù lao, có nghĩa vụ bồi thường của bên được uỷ quyền hoặc để chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản phải được lập thành hợp đồng. Các trường hợp khác thì không cần phải lập thành hợp đồng uỷ quyền mà có thể lập thành giấy uỷ quyền và chỉ cần người uỷ quyền ký vào giấy uỷ quyền (Trích điều 48 của Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực).

3. Thời gian xử lý cấp bản công chứng, chứng thực bao lâu?

Phải được đảm bảo giải quyết trong ngày hoặc ngày làm việc tiếp theo. Đối với hợp đồng, giao dịch thì không quá 02 ngày làm việc.
Đối với việc chứng thực bản dịch thì tùy vào ngôn ngữ, loại thứ tiếng mà thời gian sẽ được báo cụ thể, liên hệ Dịch vụ công chứng tại Congchung.edu.vn để được tư vấn cụ thể và hỗ trợ lấy nhanh, lấy gấp hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu.

4. Phí công chứng, chứng thực là bao nhiêu?

1. Mức thu phí công chứng quy định tại Thông tư này được áp dụng thống nhất đối với Phòng công chứng và Văn phòng công chứng. Trường hợp đơn vị thu phí là Văn phòng công chứng thì mức thu phí quy định tại Thông tư này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (nếu có) theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trường hợp cá nhân, tổ chức nước ngoài có nhu cầu nộp phí bằng ngoại tệ thì thu bằng ngoại tệ trên cơ sở quy đổi đồng Việt Nam ra ngoại tệ theo tỷ giá thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu phí.

2. Mức thu phí công chứng hợp đồng, giao dịch được xác định theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch:

a) Mức thu phí đối với các việc công chứng các hợp đồng, giao dịch sau đây được tính như sau:

– Công chứng hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất (tính trên giá trị quyền sử dụng đất);

– Công chứng hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất (tính trên tổng giá trị quyền sử dụng đất và giá trị tài sản gắn liền với đất);

-Công chứng hợp đồng mua bán, tặng cho tài sản khác, góp vốn bằng tài sản khác (tính trên giá trị tài sản);

-Công chứng văn bản thoả thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản (tính trên giá trị di sản);

-công chứng hợp đồng vay tiền (tính trên giá trị khoản vay);

-công chứng hợp đồng thế chấp tài sản, cầm cố tài sản (tính trên giá trị tài sản; trường hợp trong hợp đồng thế chấp tài sản, cầm cố tài sản có ghi giá trị khoản vay thì tính trên giá trị khoản vay);

-Công chứng hợp đồng kinh tế, thương mại, đầu tư, kinh doanh (tính trên giá trị hợp đồng).

5. Những loại giấy tờ cần thiết để thực hiện thủ tục công chứng

Đối với cá nhân

Khi đến công chứng, Quý khách vui lòng mang theo bản chính và một bản photo các giấy tờ sau:

Giấy chứng minh nhân dân chưa quá 15 năm kể từ ngày cấp, phải rõ số, không bong tróc;
Sổ hộ khẩu gia đình;
Giấy khai sinh nếu cần chứng minh quan hệ cha mẹ và con, anh, chị, em trong trường hợp tặng cho, thừa kế tài sản;
Giấy đăng ký kết hôn nếu cần chứng minh quan hệ vợ chồng;
Nếu bên bán, chuyển nhượng, thế chấp là một người thì cung cấp: giấy chứng tử, bản án ly hôn, giấy chứng nhận độc thân hoặc văn bản chứng minh tài sản riêng nếu giao dịch tài sản riêng, như được tặng cho riêng, do được thừa kế riêng hoặc có thoả thuận hay bản án phân chia tài sản (Hợp đồng tặng cho, văn bản khai nhận thừa kế, thoả thuận phân chia, bản án phân chia tài sản);
Giấy chứng nhận đăng ký sở hữu tài sản nếu giao dịch tài sản;
Văn bản ủy quyền và chứng minh nhân dân, hộ khẩu của người được ủy quyền nếu giao dịch qua ủy quyền;
Văn bản giao dịch (hợp đồng, văn bản khác) nếu đã soạn sẵn.
Lưu ý: Trên đây là hướng dẫn chung. Quý khách vui lòng xem hướng dẫn chi tiết cho từng giao dịch cụ thể tại Website này hoặc liên hệ với nhân viên chúng tôi.

Đối với pháp nhân

Khi đến công chứng, Quý khách vui lòng mang theo bản chính và một bản photo các giấy tờ sau:

Giấy đăng ký doanh nghiệp, con dấu và giấy đăng ký mẫu dấu;
Giấy ủy quyền nếu người giao dịch không phải đại diện theo pháp luật;
Chứng minh nhân dân của người đại diện pháp luật hoặc người được ủy quyền;
Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản nếu giao dịch tài sản;
Văn bản giao dịch (hợp đồng, văn bản khác) nếu đã soạn sẵn;
Trừ khi điều lệ công ty có quy định khác, doanh nghiệp cần cung cấp văn bản chấp thuận giao dịch tài sản sau đây:

6.1. Đối với công ty TNHH một thành viên:

(i) Quyết định của chủ sở hữu nếu giao dịch tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất;

(ii) Quyết định của chủ tịch công ty (nếu tổ chức theo mô hình chủ tịch) hoặc biên bản của hội đồng thành viên (nếu tổ chức theo mô h́nh hội đồng thành viên) khi giao dịch tài sản có giá trị nhỏ hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất. Trong trường hợp này, cần cung cấp bản sao y (Đóng dấu công ty) báo cáo tài chính và điều lệ.

6.2. Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên: Biên bản họp hội đồng thành viên nếu giao dịch tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất. Trong trường hợp này, cần cung cấp bản sao y (Đóng dấu công ty) báo cáo tài chính và điều lệ.

6.3. Đối với công ty cổ phần:

(i) Nghị quyết đại hội đồng cổ đông nếu giao dịch tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất;

(ii) Quyết định của hội đồng quản trị nếu giao dịch tài sản có giá trị nhỏ hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất. Trong trường hợp này, cần cung cấp bản sao y (Đóng dấu công ty) báo cáo tài chính và điều lệ.

Để áp dụng quy định tại mục 6, Quý khách vui lòng cung cấp báo cáo tài chính gần nhất. Nếu đã có văn bản chấp thuận giao dịch của cấp cao nhất thì không cần báo cáo tài chính.